GIÁO XỨ ĐỒNG TIẾN

GIÁO XỨ ĐỒNG TIẾN
MỜI THĂM TRANG BLOG MỚI CỦA GX ĐỒNG TIẾN http://gxdongtien2.blogspot.com/

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

NGHIÊN CU PHONG TC NGM VÀ THI NGM TI VIT NAM
Kính gửi quý độc giả bài nghiên cứu của tác giả Nguyễn Long Thao về phong tục Ngắm tại Việt Nam. Đây là một phương thức hội nhập văn hóa giúp sống đức tin cách thực tiễn và sống động.

Nhân dịp Giáo Phận Thanh Hóa tổ chức thi ngắm 15 Sự Thương Khó giữa các giáo xứ, chúng tôi viết bài này nhằm mục đích giúp các bạn trẻ, nhất là những người ở hải ngoại, biết về một nghi thức phụng vụ đã được Việt hóa ngay từ thời cha Đắc Lộ. Nội dung bài này sẽ tìm hiểu Ngắm là gì? Có bao nhiêu loại Ngắm ? Và cuối cùng là một vài nhận xét về phong tục Ngắm.


I. Định Nghiã Từ Ngắm : Ngắm là từ Nôm lấy dạng từ Ngâm  trong Hán Việt, có nghĩa là nhìn kỹ, gẫm suy. Ngắm cũng có âm khác là Ngẫm. Miền Bắc dùng từ Ngắm, miền Namdùng từ Ngẫm hay Gẫm. Tất cả đều có nghĩa là suy nghĩ kỹ. Từ Ngâm trong Hán Việt có nghĩa là đọc chậm, giọng ngân nga như ngâm thơ, ngâm vịnh. Do vậy từ Ngắm xuất phát từ từ Ngâm cũng có nghĩa là vừa ngắm nhìn vừa ngân nga. Ý nghiã này thể hiện rất rõ nét trong trong các nghi thức Ngắm của người Công Giáo Việt Nam

II. Các Loại Ngắm: Kinh sách Công Giáo Việt Nam dùng nhiều từ Ngắm: Nguyện Ngắm, Ngắm Bẩy Sự, Ngắm Đàng Thánh Giá, Ngắm Lễ, Ngắm Đứng, Ngắm 15 Sự Thương Khó, Ngắm Nhân Sao, Ngắm Nhân Tài. Ngắm Đàng Thánh Giá. Tuy nhiên có ba loại ngắm chính là Ngắm Lễ, Ngắm 15 Sự Thương Khó và Ngắm Đàng Thánh Giá. Riêng Ngắm Đàng Thánh Giá thì trên thế giới nơi nào cũng có nên chúng tôi chỉ nghiên cứu tập tục Ngắm Lễ và Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu là hai loại ngắm đặc thù của Công Giáo Việt Nam. Ngoài ra trong bài này chúng tôi cũng trình bày một số loại ngắm không được phổ thông lắm: Đó là Ngắm Rằng, Ngắm Nhân Sao, Ngắm Nhân Tài, Ngắm Dấu Đanh diễn ra trong tuần thánh tại các xứ đạo lớn ở miền Bắc Việt Nam.

1. Ngắm Lễ: Trước Công Đồng Vatican II, thánh lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh. Khi Linh Mục cử hành thánh lễ, các cô học trò đọc những lời diễn giải ý nghiã nghi thức đó. Vì đọc theo cung giong ngân nga nên gọi là Ngắm Lễ. Ví dụ, khi Linh Mục đọc kinh Tin Kính, các cô học trò ngắm như sau:

“Thầy đọc kinh tin kính: Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu, tôi tin thật những điều Chúa Giêsu đã truyền cho Hội Thánh. Tôi sẵn lòng đổ máu tôi ra mà làm chứng. Tôi hợp một ý cùng thầy cả mà xưng ra tôi tin kính Chúa tôi cùng tin những lời Hội Thánh dậy, dù sống chết thì hợp một ý cùng Hội Thánh mà tin cho vững bền như là vậy”

Cung giọng ngắm lễ thì ngân nga trầm bổng và để có thể ngân nga, người ta thêm các âm í i/ í ì/ ì i ì/. Ví dụ phần nhập lễ, các cô học trò ngân nga như sau: Lậy I Chúa tôi Í, I.- Bao nhiêu lễ Ê làm ÀM ngày AY hôm nay Í I.- Khắp cả A VÀ À thiên hạ Í I. – Thì Ì xin dâng cho Chúa Í I. v. v… Cung giọng ngắm lễ mùa Vui hay mùa Mừng, khác cung giọng mùa Thương. Mùa Vui là mùa Sinh Nhật, Mùa Hiện Xuống. Mùa Mừng là mùa Phục Sinh. Ba mùa này cung giọng bớt thảm não ngân nga hơn Mùa Thương tức mùa Chay Thánh. Ngắm lễ không có bài bản ghi dấu nốt nhạc nhất định, chỉ được bà quản dậy thế nào, các cô học trò ngắm như vậy. Họ học thuộc lòng không cần mở sách nên cung giọng rất đều. Ngày nay phong tục ngắm lễ đã biến mất. Chúng tôi ghi lại đây nét đại cương như một tài liệu văn hóa Công Giáo cần được nghiên cứu đầy đủ để bổ túc cho việc nghiên cứu lịch sử thánh ca Việt Nam vì ngắm lễ chính là một thứ “dân ca tôn giáo Việt Nam”.

2. Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu: Ngắm được diễn ra trong tuần thánh, là nghi thức phụng vụ giúp giáo dân suy nghĩ về cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế. Ngắm 15 Sự Thương Khó còn gọi là Ngắm Đứng vì người đọc đứng trước bàn thờ, trước cung thánh ngân nga những lời suy niệm.

Tác giả các bài Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu là cha Alexandre de Rhodes. Cha viết trong Lịch Sử Đàng Ngoài như sau: “Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm 15 đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong 15 sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong 15 ngọn nến sáng theo tục lệ trong giáo hội Roma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng thương mến những thống khổ và cái chết của Chúa Cứu Thế, người lân cận cũng đến nghe.”

Trước năm 1954 nghi lễ ngắm 15 Sự Thương Khó được tổ chức vào các ngày Thứ Tư, Năm, Thứ Sáu Tuần Thánh. Trong các ngày này, giáo xứ bừng lên một không khí sống đạo náo nhiệt, mọi người trong gia đình thay nhau đến nhà thờ dự nghi thức phụng vụ tuần thánh. Tại các giáo xứ miền Bắc, nghi thức diễn ra như sau:

Người ta đặt một cái bàn phủ khăn trắng ở vị trí chỗ giáo dân lên rước lễ trong nhà thờ. Sau bàn là một vì kèo gọi là kèo ngắm cao độ 3 hay 4m trên đó cắm 15 ngọn nến tượng trưng cho 15 ngắm sự thương khó. Sau mỗi ngắm, người ta tắt đi một ngọn nến. Trên bàn có đặt cây thánh giá nhỏ được che màn trắng, hai bên có hai cây nến. Vào ngày thứ Sáu tuần thánh giáo dân tham dự ngắm đội tang trắng để tưởng nhớ ngày Chúa chêt. Sở dĩ dùng màu trắng vì theo phong tục Á Đông, màu trắng là màu tang chế, ngược lại với Tây Phương màu đen là màu tang chế. Trước thánh giá người ta đặt một kệ nhỏ để sách ngắm, có hai cây nến để hai bên. Ngày xưa sách ngắm thường là sách viết tay bằng chữ nôm hay chữ quốc ngữ.

Vào khoảng kinh kính mừng thứ 8, bồi tế gõ mõ ra lệnh, trống khẩu đáp lại, đoàn rước từ cuối nhà thờ rước viên chức tiến lên bàn ngắm. Dẫn đầu đoàn rước là người cầm trống khẩu vừa đi vừa điểm 3 tiếng trống: hai nhặt, một khoan. Sau đó đến 4 hay 6 người cầm bát bảo và hai bồi tế chia làm hai hàng đi lên. Trong khi đó hội bát âm ở cuối nhà thờ cử hành những bản nhạc cổ truyền. Viên chức lên ngắm thường mặc áo thụng màu thanh thiên, đầu đội khăn xếp, chân đi hài. Đến bàn ngắm, thì giáo dân đã đọc xong 10 kinh, bồi tế gõ mõ, hai bồi tế và viên chức ngắm bái qùy. Một hồi chiêng trống và nhịp trắc nổi lên, viên chức bắt đầu ngắm. Trong lúc ngắm người cầm trống khẩu đệm nhẹ ba tiếng: hai nhặt một khoan. Cách đệm trống này trong ngôn ngữ hát chầu gọi là chầu ấm đám. Ngắm xong, hội bát âm, chiêng trống và đội đánh trắc, ở cuối nhà thờ nổi lên một hồi, bồi tế gõ mõ, đoàn rước bái qùy và rước viên chức ngắm xuống cuối nhà thờ. Giáo dân lại đọc 10 kinh kính mừng. Chú giúp lễ tắt một ngọn nến trên vì kèo ngắm. Đến kinh thứ 8 đoàn rước lại rước viên chức khác lên ngắm. Ngày xưa chỉ có đàn ông được để cử lên ngắm và coi đó là một vinh dự nên hàng xứ thường chia 15 ngắm cho các chức việc, các hội đoàn, các người có công lao hay danh vọng trong giáo xứ.. Trước năm 1954 nhiều ông không biết chữ, nhưng thuộc lòng một số ngắm, do vậy bài ngắm vẫn diễn ra một cách trôi chảy. Sau mỗi phiên ngắm, giáo dân có tục lệ phẩm bình, chấm điểm các người lên ngắm xem ông nào ngắm hay. Vì nguyên nhân này mà trong các xứ đạo ngày xưa có tục thi Ngắm Nhân Tài.

Về cung giọng ngắm, giáo dân Bắc Trung Nam có giọng ngân nga khác nhau. Riêng tại các giáo phận mà từ ngữ chuyên môn gọi là các điạ phận Dòng như Bùi Chu, Bắc Ninh có giọng ngắm khác với giọng ngắm của các địa phận Hà Nội, Phát Diệm, Thanh Hóa là các địa phận thuộc Hội Thừa Sai Paris. Điểm cần ghi nhớ là chỉ có cung giọng là khác còn nội dung ngắm đều giống nhau.

Về nội dung các bài ngắm, nói chung, tất cả đều đúng với Kinh Thánh, nhưng vì muốn giáo dân thương cảm và xúc động trước cảnh Chúa Giêsu chịu nạn nên tác giả của 15 Ngắm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu đã dùng nhiều từ ngữ “quá đáng” hoặc tài liệu không có chứng liệu trong kinh thánh. Vị dụ ngắm thứ sáu viết: “Bấy giờ nó nó lột áo ra, liền trói chân tay vào cột đá, đoạn lấy chà gai cùng dây gia và lòi tói sắt đánh cả và mình Đức Chúa Giêsu dư 5000 nghìn đòn cho nên nát hết thịt ra, xem thấy xương chẳng còn nơi đâu lành, mặt mũi chẳng còn hình tượng người như trước nữa.”

Vào ngày thứ Sáu tuần thánh, sau nghi thức ngắm 15 Sự Thương Khó, nhiều giáo xứ còn diễn lại nghi thức Tháo Đinh, Táng Xác Đức Chúa Giêsu. Trong nghi thức này có một loại kinh nguyện mà đặc ngữ chuyên môn gọi là “Đọc Đoạn” và “Than Mồ. Nội dung và cung giọng của Đọc Đoạn và Than Mồ cũng nhằm diễn tả sự đau thương của Chúa chịu chết vì nhân loại. Sau khi tháo đinh, tượng Chúa Giêsu được đặt trong quan tài và giáo dân kiệu đi quanh nhà thờ rồi táng trong Mồ Thánh là một hang núi nhân tạo làm bằng giấy đen. Xác Chúa nằm trong mồ thánh được giáo dân thay nhau đến kính viếng.

3. Ngắm Nhân Tài: Ngắm thi. Ở miền Bắc trước năm 1954, một số giáo xứ lớn có phong tục thi ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu để xem ai, họ nào có người ngắm hay nhất. Ngắm Nhân Tài diễn ra vào ba ngày cuối của tuần thánh, nhưng lồng vào đó tinh thần thi đua. Trong khi ngắm có vị giám khảo cầm trống chầu. Viên chức ngân nga hay, giám khảo điểm trống khen thưởng, nếu ngắm sai, phạm các lỗi như không cúi đầu, không bái gối khi đọc tới danh thánh Chúa Giêsu, giám khảo gõ ra tang trống. Nguyên tắc này giống nguyên tắc cầm chầu trong các phiên chầu hát tại các đình làng ngày xưa. Ngày nay, lễ nghi ngắm 15 sự thương khó đã đơn giản nhiều, nhất là ở hải ngoại, không còn ngắm nhân tài nữa và các bà cũng lên ngắm. Người lên ngắm chỉ mặc áo trắng, đội khăn tang. Cung giọng cũng bớt ngân nga và không còn đội chiêng, trống, trắc làm cho sinh hoạt giáo xứ rộn lên trong Tuần Thánh.

4. Ngắm Dấu Đanh: Trong các xứ đạo ngày xưa, vào hồi 10 giờ sáng thứ Tư tuần thánh, giáo dân đến nhà thờ Ngắm Năm Dấu Đanh. Gọi là Ngắm 5 Dấu Đanh vì đó là 5 bài suy niệm ngắn về năm dấu đanh trên thân xác Chúa Giêsu. Cách ngắm và cung giọng cũng gần giống như ngắm 15 Sự Thương Khó nhưng bớt ngân nga hơn. Theo tục lệ, ngắm thứ nhất thường dành cho thầy giúp xứ, còn 4 ngắm kia được phân chia cho giáo dân. Sau đây là phần dẫn nhập và nội dung ngắm thứ nhất trong Ngắm Năm Dấu Đanh:

Phép lần hạt năm dấu thánh Đức Chúa Giêsu ba mươi kinh Lậy Cha cùng năm kinh Kính Mừng chia ra làm sáu phần. Thứ nhất thì ngằm: Khi quân dữ bắt chân tả Đức Chúa Giêsu vào Thánh Giá mà đóng đanh sắt bằng mũi đau đớn lắm, máu chảy xuống dòng dòng. Khi ngắm sự ấy thì nguyện năm kinh Lậy Cha, lậy ơn Đức Chúa Giêsuchịu đóng đanh chân tảvì chúng tôi đi đàng trái, cùng nguyện một kinh Kính Mừng thương Đức Mẹ đau đớn trong lòng, như phải đóng đanh vậy. Xin cho chúng tôi chừa đi đàng trái, là chớ làm tội lỗi mất lòng Đức Chúa Giêsu nữa. Amen.

5. Ngắm Nhân Sao: Trong Tuần Thánh, sau khi ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu, nhiều giáo xứ còn có nghi thức Ngắm Nhân Sao hay còn gọi là Hỏi Nhân Sao. Ngắm Nhân Sao là tìm hiểu tại sao linh hồn Chúa Giêsu chịu mọi sự thương khó. Gọi là Nhân Sao hay Hỏi Nhân Sao vì khi ngắm, giáo dân chia làm hai bè. Một bên hỏi lý do mà từ ngữ cổ gọi là Nhân Sao, một bên trả lời lý do. Sau đây là là câu đầu tiên của Ngắm Nhân Sao:

Bên hỏi: Nhân Sao Đức Chúa Giêsu chịu thằng Giuda bán?

Bên thưa: Ta chịu bán cho được chuộc tội con.

Bên hỏi: Nhân sao Đức Chúa Giêsu cầu nguyện lâu làm vậy?

Bên thưa: Ta cầu cùng Đức Chúa Cha kẻo qưở phạt con…

6. Ngắm Rằng: Trong các xứ đạo ngày xưa, vào hồi 10 giờ sáng thứ Tư và thứ Sáu tuần thánh, giáo dân đến nhà thờ ngắm. Thứ Tư Ngắm Năm Dấu Đanh, thứ Sáu Ngắm Rằng. Hai loại ngắm này có sự liên hệ. Ngắm Dấu Đanh mô tả vắn tắt về suy niệm các dấu đanh, Ngắm Rằng là quảng diễn sự suy niệm cách rộng rãi hơn. Do vậy nhiều đoạn văn trong Ngắm Dấu Đanh được lập lại trong Ngắm Rằng. Gọi là Ngắm Rằng vì câu đầu trong phần suy niêm được bắt đầu bằng chữ Ngắm Rằng. Sau đây là phần đầu của Ngắm Rằng:

Phép lần hạt năm dấu thánh Đức Chúa Giêsu ba mươi kinh Lậy Cha cùng năm kinh Kính Mừng chia ra làm sáu phần. Thứ nhất thì ngắm: Khi quân dữ bắt chân tả Đức Chúa Giêsu vào Thánh Giá mà đóng đanh sắt bằng mũi đau đớn lắm, máu chảy xuống dòng dòng. Ngắm Rằng Đức Chúa Giêsu là con thật Đức Chúa Trời….

Cung giọng Ngắm Rằng giống Ngắm Năm Dấu Đanh đều không ngân nga dài dòng như Ngắm 15 Sự Thương Khó, chỉ ngâm một chút ở cuối câu.

III. Nghĩ về phong tục ngắm: Khi nghiên cứu về các nghi thức phụng vụ của Công Giáo Việt Nam, chúng tôi có thể khẳng định một điều mà không mấy sợ bị sai lầm rằng, ngay từ thời cha Đắc Lộ, các nhà thừa sai đã cố gắng áp dụng tinh thần hội nhập văn hóa. Các ngài đã lồng nghi thức phụng vụ vào văn hóa Việt Nam mà cụ thể là phong tục ngắm đứng. Nếu tôn giáo dân gian diễn ra tại đình làng có nghi thức Hèm tức nghi thức diễn lại thần tích của vị Thành Hoàng thì người Công Giáo Việt Nam cũng có nghi thức diễn lại cuộc khổ nạn của Chúa qua nghi thức Ngắm, Tháo Đinh, Táng Xác. Như vậy lập luận xưa kia cho rằng theo đạo là chối bỏ văn hóa dân tộc là một kết án thiếu căn bản.

Rồi khi so sánh với Công Giáo Âu Châu và Công Giáo Việt Nam, lại có một số vị đã phát biểu rằng người Công Giáo Việt Nam giữ đạo không có chiều sâu, nông cạn, vụ hình thức, nặng về tình cảm hơn lý trí, mà cụ thể là các nghi thức phụng vụ rềnh rang, ồn ào như ngắm, rước kiệu, dâng hoa, v.v.

Người viết bài này suy nghĩ rất nhiều về nhận định trên và tự hỏi liệu giáo dân với cung cách sống đạo ồn ào, nặng phần kinh sách, bề ngoài, thì đức tin của họ có kiên vững không?

Sau khi quan sát đời sống đạo của giáo dân Âu Mỹ trong hơn 30 năm, tôi nhận thấy lời phê bình và kết án trên là hoàn toàn không có căn cứ vì thực tại lịch sử đã bác bỏ luận cứ này. Bằng chứng hùng hồn nhất là sức sống của Giáo Hội Công Giáo hiện nay là ở Châu Á, Châu Phi, Mỹ Châu La Tinh chứ không phải Âu Châu. Châu Á và Châu Phi đang gửi các nhà truyền giáo đi khắp nơi trên thế giới. Tòa Thánh Vatican đã nói tới việc Âu Châu cần phải được tái truyền giáo. Theo thiển ý chúng tôi, chính những hình thức bị lên án là rềnh rang, nặng tình cảm, vụ hình thức đã là phương tiện giúp củng cố đức tin người Công Giáo Việt.

Quan sát đời sống đạo hiện nay của giáo dân Thanh Hóa, Phát Diệm, Bắc Ninh, Bùi Chu, v.v.. không ai có thể dám nói là đức tin của họ thiếu kiên vững. Trong hơn nửa thế kỷ qua, dù gặp bao nhiêu gian nan, khó khăn nhưng tinh thần sống đạo của họ vẫn kiên vững, vẫn đáng nêu gương.

Đối với người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại, vì được thừa kế truyền thống của cha ông nên họ đã được nhiều vị Hồng Y, Giám Mục điạ phương nhiệt liệt ca ngợi. Nhiều Giám Mục Mỹ đã nói với các vị Giám Mục Việt Nam rằng “Giáo dân Việt Nam là một hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội Hoa Kỳ.”Thí dụ cụ thể minh chứng cho tinh thần đức tin của người Công Giáo VN ở hải ngoại  là tại San Jose, California, vì nhà thờ bị cháy, phải xây lại mà chỉ trong vòng hơn 8 tháng,, khoảng 1500 gia đình VN thuộc giáo xứ Đức Mẹ La Vang đã đóng  góp  trên 26 triệu Mỹ Kim. Nhiều cộng đoàn giáo dân VN tại Mỹ, với khoàng ba /bốn ngàn giáo dân vẫn đã có thể xây được nhà thờ cho mình  với trị giá hai / ba chục triệu Mỹ Kim.

Giáo phận Thanh Hóa tổ chức cuộc thi ngắm không chỉ là làm sống lại nét văn hóa Công Giáo Việt, mà chủ yếu là khơi dậy tâm tình thống hối trong mùa chay để giáo dân có dịp soi chiếu đời mình trong tuần thánh.
Nguyễn Long Thao


http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=8506

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Ngày 29-3-2015
Lời Chúa: Mc 11,1-10
Khi các ngài đến gần Giêrusalem ngang qua Bêtania, gần núi Cây Dầu, thì Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp ngay cột sẵn đó một lừa con chưa ai cỡi, các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con 'Sao các ông làm thế?', thì hãy nói rằng: 'Chúa cần dùng, xong việc Ngài sẽ trả lại đây'". Hai môn đệ ra đi và gặp lừa con cột trước cửa ngõ, nơi ngã tư đàng, hai ông liền mở dây. Vài người trong những kẻ đứng đó hỏi hai môn đệ rằng: "Các ông làm gì mà mở dây lừa con vậy?" Hai môn đệ đáp lại như lời Chúa Giêsu dạy bảo, và người ta để cho đem đi. Hai ông dắt lừa con về cho Chúa Giêsu, và trải áo lên mình lừa và Ngài lên cỡi. Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!"
Suy Niệm:

Ðức Giêsu được rước vào thành thánh cách long trọng, nhưng cũng chính trong vinh quang này lại mở màn cho cuộc khổ nạn đau thương! Thật không thể hiểu nổi một Ðấng Cứu Thế lại có thể bị ngược đãi, nhục hình! Cũng không thể tin nổi được lòng dạ con người mau đổi trắng thay đen! Tung hô đó để rồi đả đảo ngay.
Nhưng tại sao Thiên Chúa lại để cho Con của Ngài phải chấp nhận cái nhục nhã và tủi sầu đến thế? Ðức Giêsu suốt một đời sống vì con người, sống cho con người, lại phải kết thúc cuộc đời giữa tiếng la ó đả đảo kết án của con người. Cuộc đời Ngài cay đắng vậy sao?
Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, trong tuần lễ này, toàn thể Giáo Hội chúng con lặng lẽ dõi bước theo Chúa đi vào con đường khổ nạn.
Âm thầm nhìn Chúa bị treo trên đồi cao... chỉ vì hạnh phúc của chúng con. Ôi một tuần hồng phúc.

Xin cho chúng con sống trọn tuần này với lòng cảm mến nồng nàn, lòng biết ơn sâu xa. Xin cho chúng con luôn trung thành và đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa. Chúa đã sống vì yêu, chết vì yêu và chỉ trong tình yêu mới tạo sức sống cho cuộc đời. Amen.


CHƯƠNG TRÌNH PHỤNG VỤ
TUẦN THÁNH VÀ ĐẠI LỄ PHỤC SINH 201
5

I/ CHÚA NHẬT LỄ LÁ:
1) Tối  thứ Bảy: (28/03/2015) Kiệu lá chung quanh nhà thờ.
 Thứ tự đoàn rước: Thánh giá, đèn hầu –  Cha Chủ Tế   – Quý sơ –  Cộng đoàn
+       Thánh giá, đèn hầu  :     Lễ sinh
+       Đọc sách Thánh      :     Bài  I  :  Hội Gia Trưởng
                                          Bài  II :  Hội  Hiền Mẫu
+       Phụ trách đàn hát    :       Ca đoàn Thánh gia
+       Đánh trống chiêng   :       Họ trực
2) Sáng Chúa nhật: (29/03/2015Làm phép lá và kiệu lá đơn giản. 
+       Đọc sách Thánh      :       Bài  I  :  Ông Ty (HĐMV)
                                          Bài  II :  Cô Sáu (Hội Hiền Mẫu)
+       Phụ trách đàn hát    :       Ca đoàn  Cécilia
+       Đánh trống chiêng   :       Họ trực
3) Thánh lễ 2 Chúa nhật: (29/03/2015) Làm phép  lá và kiệu lá đơn giản. 
+       Đọc sách Thánh      :       Đoàn Thiếu nhi
+       Phụ trách đàn hát    :     Ca đoàn Thiếu Nhi
II/ THỨ HAI TUẦN THÁNH (30/03/2015):
1) Tối 18 giờ 30:   Ngắm trọng thể Sự Thương Khó Chúa Giêsu (ngắm 5 thứ)
+       Ngắm thứ  1            :     Sr. Cộng Đoàn Micae
+       Ngắm thứ  2            :     Ban điều hành họ  Phêrô
+       Ngắm thứ  3            :     Ban điều hành họ Gioan
+       Ngắm thứ  4            :     Ban điều hành  họ Giuse
+       Ngắm thứ  5            :     Ban điều hành họ Antôn
     Áp ngắm                 :     Giáo họ Giuse
2) Sau nguyện ngắm: Thánh lễ
+       Đọc sách Thánh      :     Theo Ngày của Đoàn thể
+       Phụ trách đàn hát    :     Ca đoàn Cecilia
III/ THỨ BA TUẦN THÁNH (31/03/2015):
1) Tối 18 giờ 30: Ngắm trọng thể Sự Thương Khó Chúa Giêsu (ngắm 5 thứ)
+       Ngắm thứ  6            :     Bà Thủ Quỹ HĐMV
+       Ngắm thứ  7            :     Giới Gia Trưởng
+       Ngắm thứ  8            :     Bà Mẹ Công Giáo
+       Ngắm thứ  9            :     Hội Lêgiô
+       Ngắm thứ  10          :     Hội Têrêxa
     Áp ngắm                 :     Giáo họ Antôn
2) Sau nguyện ngắm: Thánh lễ
+       Đọc sách Thánh      :     HĐMV
+       Phụ trách đàn hát    :     Ca Đoàn Cécilia
IV/ THỨ TƯ TUẦN THÁNH (1/4/2015):
1) Tối 18 giờ 30: Ngắm trọng thể Sự Thương Khó Chúa Giêsu (ngắm 5 thứ)
+       Ngắm thứ  11          :     Hội Thánh Thể
+       Ngắm thứ  12          :     Ca Đoàn Cécilia
+       Ngắm thứ  13          :     Ca Đoàn Thánh Gia
+       Ngắm thứ  14          :     Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể
+       Ngắm thứ  15          :     Tác Viên Tin Mừng
     Áp ngắm                 :     Giáo họ Gioan
2) Sau nguyện ngắm: Thánh lễ
+       Đọc sách Thánh      :     Giới Gia Trưởng
+       Phụ trách đàn hát    :     Ca Đoàn Thánh Gia
V/ THỨ NĂM TUẦN THÁNH (2/4/2015):
1/ Ban sáng  :  4giờ45     Ngắm  Dấu Đanh
     + Ngắm thứ   I          :    Ông Oánh  (Ban Xướng Kinh)
     + Ngắm thứ   II         :    Ban điều hành họ  Phêrô
     + Ngắm thứ   III     :    Ban điều hành họ  Gioan
     + Ngắm thứ    IV      :    Ban điều hành họ  AnTôn
     + Ngắm thứ    V        :    Ban điều hành họ  Giuse
     + Ngắm thứ    VI      :    Hội Lòng Chúa Thương Xót
        Áp Ngắm                  Giáo  Họ Phêrô

2Buổi tối :   Thánh lễ Tiệc ly (lúc 18giờ30)
+       Đọc sách Thánh      :     Đoàn Thiếu Nhi

3/   RỬA CHÂN                 :    Mười Hai Tông Đồ 
+       Dâng lễ vật              :     Đoàn Thiếu Nhi
+       Phụ trách đàn hát    :     Ca đoàn Cécilia

4) Kiệu Thánh thể:                Trong  nhà thờ
+       Thứ tự đoàn rước:   
Thánh giá đèn hầu – Ban Thường Vụ HĐMV – Quý Sơ – Mười hai tông đồ –  lễ sinh –  Kiệu Thánh thể – Lọng che
+       Thánh giá, đèn hầu:         Ông Trường – Ông Phái – Ông Yên
+       Lọng che Thánh thể  :  Ông Huynh


5) Chầu Thánh thể:   Sau Thánh lễ         
+       20g00 đến 20g20 :   Giới trẻ + Thiếu Nhi (Đoàn Thiếu Nhi dẫn chầu)
+      20g20 đến 20g40  :   Giới gia trưởng + Hội Hiền Mẫu (Hội Hiền Mẫu dẫn chầu)
+       20g40 đến 21g00  :   Legio Mariae + Hội Têrêxa + Hội Thánh Thể + Tác Viên Tin Mừng + Lòng Thương Xót (Hội Thánh Thể dẫn chầu)
+       21g00 đến 21g20  :   Cộng đoàn Micae + Cộng Đoàn Giêrado
                          (Sau 22 giờ đóng cửa nhà thờ)


VI/ THỨ SÁU TUẦN THÁNH (3/4/2015):    Ăn chay Kiêng Thịt
1/  Buổi sáng   :    4giờ45     NGẮM RẰNG
     + Ngắm thứ   I         :      Ông Ngọc CT/ HĐMV
     + Ngắm thứ   II        :      Ông Thức cựu CT/ HĐMV
     + Ngắm thứ   III       :      Ông Tân cựu CT/ HĐMV
     + Ngắm thứ   IV     :      Ông Phú cựu CT/ HĐMV
     + Ngắm thứ   V        :      Ông Tuấn cựu CT/ HĐMV
     + Ngắm thứ   VI      :      Ông Minh phó CT/ HĐMV
       Kinh Than        :   Sr. Cộng đoàn Micae
          Áp Ngắm                        Giáo  Họ Giuse

2/ Buổi Trưa lúc 10g00:   ĐI ĐÀNG THÁNH GIÁ TRỌNG THỂ
        Phụ trách đàn hát:  Ca Đoàn Thánh Gia

3)   Buổi tối  lúc (18g30)        SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA GIÊSU 
+       Đọc sách Thánh :          Bài 1:  Ca Đoàn  Cecilia   (Nam )
                                          Bài 2:  Ca Đoàn Thánh Gia   (Nữ)
 Phụ trách đàn hát   :   Ca đoàn Thánh gia

3/     HÔN CHÂN       : Cha Chủ Tế, Lễ Sinh, Quý Soeur – Ban Thường vụ HĐMV

CỘNG ĐOÀN SẼ HÔN CHÂN SAU KHI RƯỚC LỄ


VII/ THỨ BẢY TUẦN THÁNH (4/4/2015)

                                Canh thức Vượt Qua

Buổi Tối lúc18giờ30:  Thánh lễ vọng Phục Sinh: Lấy lửa mới
+       Đọc sách Thánh      :     Bài 1:    Ông Quyền (Phó nội họ Gioan)
                                          Bài 2:    Ông Tuấn Anh (Thư ký họ Phêrô)
                                          Bài 3:    Ông Sơn (Thư ký họ Antôn)
                                          Bài 4:    Ông Vinh (Phó nội họ Giuse)
+       Phụ trách đàn hát    :     Ca đoàn  Cécilia

VIII/ CHÚA NHẬT PHỤC SINH (5/4/2015)

Thánh lễ  I : 4g45: Đoàn rước : Đại diện các đoàn thể – BĐH giáo họ – BTV – Lễ sinh
+       Đọc sách Thánh      :     Bài 1: Ông Ngọc (CT/HĐMV)
                                          Bài 2: Bà Phước (Thủ Quỹ HĐMV)
      Dâng lễ vật             :     HĐMV
+       Phụ trách đàn hát    :     Ca đoàn Thánh Gia
+       Trống chiêng           :     Họ trực

2) Lề  II  : 7g00
+       Đọc sách Thánh      :     Đoàn Thiếu Nhi
+       Phụ trách đàn hát    :     Ca đoàn Têrêxa

* Ghi chú: Để tăng thêm phần sốt sắng và trọng thể, yêu cầu quí vị: HĐMV – Quý ban đại diện giáo họ – Quý ban đại diện các hội đoàn mặc đồng phục trong các ngày: Chúa nhật lễ Lá – Thứ năm, Thứ sáu, Thứ bảy và Chúa Nhật Phục Sinh
Nam áo sơ mi trắng, quần màu, thắt cà vạt.
+       Nữ áo dài trắng, quần trắng.
+       Xin đi trước giờ ấn định.

Cầu chúc mọi người Tuần Thánh sốt sắng

Đại Lễ Phục Sinh tràn đầy ân sủng và bình an